VƯỢT SÓNG
Tuesday, May 2, 2017
Chiếc xe chở gia đình nó đến
một vùng quê mới, đến với ngôi nhà mới. Băng qua hàng trăm cây số, hiện ra
trước mắt nó là cánh đồng xanh mướt, chập chờn cánh cò trắng y như mấy tác phẩm
văn học mà nó được học. Hạ thấp cửa kính, nó muốn tận hưởng trọn vẹn cái mùi
của đất, của cây, của khí trời. Tâm hồn nó bỗng nhẹ bâng và trong trẻo đến lạ.
Miền đất mới có lẽ là miền đất hứa. Với một đứa vốn có cá tính quái dị nhưng
tâm hồn cũng không kém phần thi vị như nó, trong trí não đã xướng ra hàng trăm ý
tưởng muốn làm.
Chiếc xe cuối cùng cũng dừng
lại. Mặt nó bỗng chảy dài ra, nỗi buồn không thể dấu nổi qua đôi mắt. Trước mặt
nó là ngôi nhà mới, cấp bốn, không rộng lắm, không sơn ve, không cửa gỗ chạm
trổ sang trọng, nền nhà không lát gỗ thậm chí ngay cả gạch men cũng không,… Nơi
này thật khác xa với căn nhà quá ư đầy đủ và tiện nghi của nó. Thậm chí nó còn
phải ngủ chung với hai người con trai của chủ nhà, việc mà trước đây một thằng công
tử được chiều chuộng như nó chưa bao giờ phải nghĩ tới. Nghĩ nó lại thoáng buồn.
Chỉ mới hôm qua thôi, nó vẫn là người thành phố phồn hoa, rực rỡ ánh đèn, có
nhiều trung tâm thương mại và khu vui chơi. Còn bây giờ… mỗi nhà cách nhau đến
cả cánh đồng, đường làng thật chật, trâu bò còn nhiều hơn xe cộ. Chao ôi, lý
tưởng của nó bỗng nhiên chao đảo.
Bữa cơm đầu tiên tại nhà mới
thật đạm bạc. Hoa chuối thái rối với vài ba lát thịt mỏng thé làm nộm, nồi canh
rau vặt. Mâm cơm chẳng khác gì cái cảnh thời đói. Thật chẳng có hứng thú gì
nhưng nó cũng gắng được 3 bát, chắc tại hôm nay nó đã đi một quãng đường khá xa.
Sau bữa cơm, bác chủ nhà dặn cả nhà chuẩn bị ngày mai đến nhà thờ làm lễ vì mai
là chủ nhật và cũng là để nó được hiểu thêm về con người và lễ nghi nơi đây. Cả
đêm nó thao thức không ngủ được. Phần vì háo hức ngày mai đi lễ ở nhà thờ không
biết ở đó thế nào. Phần vì không khí trong lành và yên ả của vùng quê này cũng
khiến nó khó có thể ngủ được. Nó cảm thấy thật có lỗi với mẹ thiên nhiên nếu
không đi dạo. Nó bật dậy lúc trời chạng vạng, gà gáy sang canh ba, canh tư gì
đó. Loanh quanh trong làng, rồi lạc trôi ra tận bờ biển. Nó khựng người lại,
rồi lại ngây ra. Đôi mắt nó sáng rực như muốn chiếu sáng cả bờ biển. Phản chiếu
trong đôi mắt là những tia nắng ráng hồng, ráng đỏ ở chân trời. Phải chăng là
bình minh trên biển? Lần đầu tiên trong đời nó được thấy bức tranh đẹp lung
linh đến vậy. Trước khi đến đây, nó cũng tìm hiểu sơ sơ về vùng đất này. Nhưng
không ngờ, đây không chỉ là đất học mà thiên nhiên cũng đẹp đến mê hồn. Nó bỗng
thấy yêu mến và muốn gắn bó lâu dài với vùng đất này, vùng đất đẹp và bình an
như tên của nó vậy - An Hòa.
Lần đầu được đi lễ nhà thờ ở
vùng quê mới, nó dậy chuẩn bị từ sớm, chỉn chu quần áo cho gọn gàng rồi ngoan
ngoãn theo sự hướng dẫn của người bạn mới trong giáo xứ Phú Yên. Ở đó, nó cảm
thấy ấm áp vì được chào đón, hỏi han và giúp đỡ của mọi người. Nhất là được nghe
thánh ca cùng những lời căn dặn của Cha, nó còn thu máy được nhiều bức ảnh đẹp
bổ sung cho cuốn album của mình và thầm củng cố cho lòng tin về mọi người Cha
đều ấm áp và biết quan tâm.
Thời gian trôi qua nhanh như
hơi thở, nhưng rồi gần đây lòng nó bỗng nặng trĩu. Nó dần phát hiện ra cảm xúc
của nó về những bài thánh ca và Cha giống như tiếng sét ái tình vậy, đến dữ dội nhưng nhanh vụt tắt. Thay
vì mến phục, tin yêu, nó bỗng căm phẫn, uất ức. Sự phẫn nộ trong nó như một
khối u ác tính đã đến lúc kháng cự.
Hồi ức đó vẫn đang sống
trong nó…
Hơn hai tháng trước, bỗng
nghe tin Cha bắt người lớn nghỉ làm, học sinh nghỉ học, tất tần tật lên nhà thờ
nghe Cha quán triệt, phân công người của giáo xứ để vào Formusa khởi kiện, đòi
quyền lợi cho ngư dân chịu thiệt hại vì sự cố môi trường biển. Cha dặn luôn: “Nhà nào không đi đủ số người thì Cha không
cho đi lễ, Cha không cho đến nhà thờ. Ai đi kiện bằng ô tô thì trả công một
triệu đồng, ai đi xe máy, đi bộ thì hai trăm nghìn đồng một ngày”. Thế rồi,
làng quê bỗng náo loạn, người cờ, người gậy, người nón mũ, xe cộ tấp nập hẳn đưa
nhau lên tập trung ở nhà thờ. Ban đầu Cha bảo đi ô tô, nhưng không hiểu sao Cha
lại bảo không có ô tô, các con phải đi xe máy và đi bộ tuần hành. Nó cũng tò mò
đi theo Cha và mọi người trong giáo xứ. Người loa, người đài, hò hét nhao nhác
cả tuyến đường mà trong lòng không hiểu vì sao lại đi kiện khi nơi đây không
liên quan gì đến sự cố môi trường biển. Nó tin cha nhưng những gì nó biết, nó
thấy, nó được học ở trường và báo đài đưa tin không giống những gì Cha nói. Lòng
nó có chút nghi hoặc. Nhưng nó vẫn đi, biết đâu lại ghi lại được những khoảnh
khắc đáng giá.
Thế rồi, ẩu đả xảy ra giữa
đoàn người giáo dân với Công an bảo vệ. Đánh đấm, ném đá, chửi bới, lôi kéo,
tất cả hỗn độn như mớ bòng bong. Cha thì đứng sau đám đông, cầm loa kêu gọi, cổ
vũ các con, hô hào tăng cường khí thế. Các con thì không biết gạch đá ở đâu ném
như ném trâu bò ở làng vậy. Bên kia thì Công an rào chắn, tiến tiến, lui lui,
xe công vụ thì dàn hàng. Đã có người bị thương, có đổ máu, rồi Công an bắt
người, Công an đánh người. Người này truyền tai người kia, nó hoang mang lắm. Nó
chưa biết ai đúng ai sai, nhưng lỡ live tream lộ mặt nó lên các trang báo đài đi
ném đá, rồi nhà trường biết được đình chỉ thi tốt nghiệp thì sao? Giấc mơ hoài
bão của nó tan chảy như một que kem giữa nắng tháng 5 vậy. Nó lùi chân lại và
có chút run sợ. Nhưng với cái máu của một người cầm ống kính và thích cái mới
lạ, nó không thể dửng dưng để trôi màn mưa đá tảng được. Đứng từ phía bên này,
nó đã ghi lại được khoảnh khắc có một không hai, mang màu sắc khác lạ nhất
trong tuyển tập cả ngàn bức ảnh.
Đêm đó nó ở lại cùng thanh
niên, người bị thương và một ít phụ nữ tại giáo xứ Phú Yên. Lúc này, đoàn người
như một bức tranh không liên kết. Có tốp người tiếp tục bàn tán việc lúc chiều,
chiến thuật cho ngày mai ném đá sao cho hiệu quả. Có tốp thì mệt mỏi bơ phờ,
tâm trạng muốn được về nhà, chui vào chăn ngủ một giấc cho đã. Còn Cha đi đâu
không rõ mà cũng chẳng ai đủ sức để quan tâm nữa. Cuộc đời là thế, mang quân đi
đánh đất người, cuối cùng tối tắt mặt trời, rệu rã như rắn không đầu. Bỗng
nhiên nó muốn khóc, nó muốn về nhà, về lại nơi bình yên, thanh trong mỗi sáng.
Vài tuần sau đó, thậm chí cả
tháng sau đó, không khí nặng nề bao trùm cả làng, cả giáo xứ. Người thì bực tức
vì đi kiện bất thành, người thì thì thầm vì bị dư luận đả kích, phần cũng chán nản
bởi trước giờ ở làng này chưa xảy ra chuyện như thế bao giờ. Nhưng chả ai dám
lên tiếng tranh luận công khai cả. Còn Cha thì không ngừng vận động mọi người
tiếp tục theo kiện, kêu gọi ủng hộ và lập luận về những sai trái của chính
quyền. Nó thì mệt mỏi và không còn nhiều cảm hứng để tìm kiếm khung cảnh đẹp
nữa. Nơi nó ở cũng có một vài giáo xứ nhưng ở đó Cha xứ không hùa con chiên
kiện cáo thế này.
Sáng nay, lướt facebook thấy
bạn bè up lịch vui chơi trong kỳ nghỉ lễ 30/4. Còn nó thì đang bế tắc ở nơi
này. Và nó đoán cơ số đứa khác trong giáo họ cũng chả hứng thú gì. Bởi lẽ chiều
qua đến giờ Cha lại hô hào bà con, phi xe dẫn đầu đoàn người lên Công an huyện
đề đòi mấy cái áo No Formusa gì gì đó. Cả giáo xứ hôm qua đến giờ lại dậy sóng.
Người người, nhà nhà lại đưa nhau đi lên chính quyền, lại chửi bới, kêu gào.
Sao mấy mụ ấy nói lắm thế? Mấy cái áo ấy rõ ràng là chẳng hợp thời trang tý nào
cả. Chắc 30/4 này nó không có ý nghĩa gì với nó rồi. Nếu bây giờ ở thành phố
thì bố mẹ nó đã dẫn anh em nó đi chơi rồi đấy. Nghĩ mà nó ức thế không biết.
Toàn chuyện đẩu chuyện đâu lôi về cái giáo xứ này làm gì cơ chứ? Nhìn mặt mấy
đứa thanh niên trạc tuổi nó cũng thộn ra mà buồn.
Khuya
lắm rồi mà nó không ngủ được. Chiều nay nó lại theo Cha và mọi người trong giáo
xứ lên Công an huyện. Nó định đi dạo thì thấy bác chủ nhà ngồi ở bậc thềm, phì
phèo điếu thuốc lá. Ngồi cạnh bác. Từ ngày về đây đến giờ hai bác cháu cũng chưa
có nhiều thời gian tâm sự. Im lặng hồi lâu, bác bỗng hỏi: “Cháu muốn sống ở đây
lâu dài không?” Câu hỏi bất ngờ và nặng trĩu tâm trạng. Rồi bác bắt đầu kể.
Trước
đây, bác cũng hay đi biển, có đồng vào đồng ra lo con cái ăn học đến nơi đến
chốn. Nhưng dạo gần đây, sức khỏe kém, ít đi hơn nên đong gạo cũng non tay hơn.
Đã thế Cha còn vận động ủng hộ tiền phục vụ cho khiếu kiện. Trong nhà có được
bao nhiêu cũng gom góp đưa Cha gần hết với hi vọng Cha có thể đòi lại quyền lợi
cho bà con đi biển. Thế rồi hết lần này qua lần khác, Cha tập hợp cả giáo xứ đi
vào Hà Tĩnh, rồi lên chính quyền, rồi chủ nhật sau khi đi lễ cả giáo xứ lượn lờ
quanh vùng như để trêu ngươi thế giới. Bác buồn vì tiền của mình và bà con ủng
hộ giờ không được gì. Và điều đáng buồn hơn là từ hôm đó đến nay, vùng này chẳng
mấy ai làm việc nữa, người đi biển cũng ít đi, toàn túm tụm bàn tán xôn xao,
chửi bới mấy lão Công an với chính quyền thôi. Bác cũng chẳng mặn mà gì với
Cộng sản hay Công an gì đó. Nhưng từ ngày Cha kêu gọi khiếu kiện đến nay, việc
buôn bán của gia đình bị giảm sút mạnh. Các nhà hàng ngoài vùng An Hòa này
không chịu mua hải sản của ngư dân An Hòa nữa, mấy thương lái thì điêu đứng.
Còn con bác đi học cũng thất thường, đứa con gái thì khóc suốt vì bị đám bạn
chỉ trích là thành phần phá vỡ hòa bình thế giới.
Con
cái không thể học hành được, con đường mưu sinh khó khăn. Bậc cha mẹ như bác vừa
trăn trở vừa bế tắc… Hàng nước mắt của người làm cha lăn dài trên gò má nhô ra
vì kham khổ…
Nó
lại đi dạo quanh làng, rồi lạc trôi ra bờ biển. Trời chạng vạng sáng, những tia
nắng đầu ngày bắt đầu hé lên… Biển êm đềm mà lòng nó dội sóng. Một người với
bao đam mê hoài bão như nó không thể sống như thế được. Nó tự lên trong đầu một
kế hoạch lớn lao. Nó sẽ đứng giữa nhà thờ, sẽ phản biện cho Cha và cả giáo xứ những
việc họ đã làm trong thời gian qua và hệ lụy của nó tới sự bình yên của cả vùng
quê này, đặc biệt là đối với cả những đứa trẻ. Nó sẽ thuyết phục mọi người phải
thay đổi tư duy và trả lại cho An Hòa những gì vốn thuộc về nó. Cả thánh đường
sẽ đứng dậy hướng về nó, một người rồi nhiều người sẽ đến đứng cạnh nó, ủng hộ
nó. Nó hi vọng cả giáo xứ và đặc biệt là Cha sẽ hiểu cho nó. Còn nó, nó sẽ
chẳng tốt nghiệp đại học, rồi sẽ thi vào trường dòng, phấn đấu làm Linh mục dẫn
dắt con chiên xứ này phát triển theo cách của nó. Nó sẽ làm cho bức tranh An
Hòa có một diện mạo mới, chắc chắn thế.
An
Hòa đã khiến nó nặng lòng. Nó muốn gắn bó với vùng quê, con người nơi đây như
quê hương ruột thịt của nó vậy! Mặt trời chiếu sáng một vùng biển rộng lớn, nó
quyết định vượt sóng!
Bài liên quan
- “Cha ơi! Hôm nay mình đi mô rứa!”
- "Cha" ăn cho no, lấy sức mà kêu cho to
- KHI TRANG "THANH NIÊN CÔNG GIÁO" HỌC CÁCH LẤY LẠI LÒNG TIN TỪ DƯ LUẬN!
- ĐÔI LỜI VỀ CÁI GỌI LÀ "TIỂU BAN CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH"
- NGƯỜI DÂN MIỀN TRUNG BAO ĐỜI NAY VẪN VẬY
- Nguyễn Đình Thục - Kẻ bất nhân...
- Gửi những nhà hoạt động “dân chủ” ở Việt Nam.
- SÁNG NAY, MỘT LINH MỤC GIÁO PHẬN VINH PHẠM ĐIỀU RĂN THỨ 8 NGAY TẠI NƠI ĐƯỢC XEM LÀ LINH ĐỊA
- Pháo đài đã thủng!
- ĐẾN THĂM NHÀ HOÀNG BÌNH: LM THỤC ĐẾN TRONG LÉN LÚT, RA VỀ THIẾU ĐÀNG HOÀNG
- BẠN TÔI LÀ GIÁO DÂN
- “CHA”: CÁI CỚ FORMOSA ĐÃ ĐẾN LÚC DỪNG LẠI ĐƯỢC RỒI!
Comments[ 0 ]
Post a Comment