SỰ KHÁC BIỆT TRONG CÁCH ỨNG XỬ CỦA 02 ĐẠI BIỂU
Wednesday, November 7, 2018
Chuyện ông Lưu Bình Nhưỡng
mấy ngày qua nổi như cồn. Các bạn thử lên google chỉ cần gõ chữ Lưu thôi là tên
ông đã được google xếp đầu danh sách tìm kiếm. Lưu Diệc Phi - mỹ nhân điện ảnh
Trung Quốc nổi tiếng thế giới cũng chỉ xếp thứ 7, thứ 8. Chuyện sẽ chẳng có gì
to tát nếu ông Nhưỡng bỏ bớt cái tôi, nhìn nhận thẳng thắn về phát ngôn gây sốc
của mình để có trả lời xác đáng hơn và đặc biệt là “người lớn” hơn trong cách
giao tiếp, ứng xử.
Chắc chắn nhiều người
đã hiểu ra cái sai của ông Nhưỡng khi phát biểu “rất khủng khiếp” tại nghị trường
Quốc hội. Theo tôi thấy, việc sai lầm trong phát biểu, lấy “mẫu số sai” để chia
phần trăm không hẳn chỉ là sai lầm đơn thuần mà có dụng ý. Với tiến sỹ Luật,
trình độ như ông Nhưỡng không thể không hiểu rõ được con số mình đưa ra vô lý
như thế nào và ảnh hưởng ra sao đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an.
Kỳ họp
trước, phát biểu về vụ Đồng Tâm, ông cũng đã từng nói không đúng về lực lượng
Công an. Phải chăng đại biểu Nhưỡng không thiện chí với lực lượng bảo vệ bình
yên cho xã hội. Đại biểu phát biểu nhiều vấn đề có dấu hiệu sai phạm của xã hội,
đó là việc làm bình thường của 1 đại biểu Quốc hội, nhưng phải nói cho đúng việc,
đúng đối tượng, đưa ra cái xấu để xử lý, khắc phục, sửa chữa với tinh thần xây
dựng tập thể chứ không phải dùng mấy con số lập lờ, đánh lận con đen để quy chụp,
nói xấu, gây mất đoàn kết lẫn nhau.
Trước phát biểu sai lệch
của đại biểu Nhưỡng, Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An nhận
được nhiều tin nhắn, cuộc gọi của Công an một số đơn vị, địa phương phản ánh và
tỏ rõ sự không đồng tình. Tuy nhiên ông Cầu vẫn rất điềm tĩnh để nói trước nghị
trường rằng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phát biểu “làm cho anh chúng tôi rất phân
tâm”. Thực sự tôi rất ấn tượng và đánh giá rất cao về từ “phân tâm” mà đồng chí
Nguyễn Hữu Cầu đã phát biểu, dù rất bức xúc trước việc uy tín, danh dự của lực
lượng bị hiểu sai nhưng đại biểu Cầu phản bác rất có tinh thần xây dựng, để cho
mọi người thấy đâu là đúng, đâu là sai, không hằn trách ý kiến của người nói
chưa đúng.
Trái ngược lại, khi đại
biểu Nguyễn Hữu Cầu đang phát biểu, ống kính có quay đến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng,
tôi thấy ông cười, rồi giơ bảng xin phản biện ngay khi ông Cầu chưa dứt lời.
Đánh giá đơn giản mọi người cũng thấy sự khác biệt trong cách ứng xử của 2 đại
biểu. Sau khi kết thúc buổi họp, tưởng chừng đại biểu sẽ thẳng thắn nhìn nhận
ra cái mình nói chưa đúng; thế nhưng đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tiếp tục thanh
minh, thậm chí lái sang vấn đề khác để bảo vệ quan điểm của mình trước dư luận
hòng né tránh phát biểu không đúng của mình. Trên trang Facebook của đại biểu
Lưu Bình Nhưỡng với rất nhiều người theo dõi, đại biểu tiếp tục có những stt để
bảo thủ quan điểm và kiên quyết không nhận sai.
Lời khuyên chân thành
cho đại biểu: nói thì dễ, nhưng nói để
người khác nể mới khó!!! Người giỏi, người thông minh, tài tình là người nói 1
người ta hiểu 10, nghe 11!!!
Minh Hiệu.
Comments[ 0 ]
Post a Comment